Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

Những nhân vật có ảnh hưởng nhất thập kỷ

Vladimir Putin

Hiện lên như một người đàn ông cường tráng và mạnh mẽ, đối nghịch với hình ảnh những lãnh tụ quốc gia già yếu Xô Viết trong lịch sử, Putin có sức thu hút đặc biệt. Chơi Judo, câu cá, bơi lội, chèo thuyền, lái máy bay chiến đấu, tầu thủy, xe tăng, thậm chí cởi trần cưỡi ngựa, Putin thể hiện như một anh hùng trong phim Hollywood.

Trong mắt một phần đông người Nga, Putin là anh hùng đã cứu nước Nga thoát khỏi trạng thái hỗn loạn và tìm lại vị thế cường quốc sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Nhà tỉ phú Soros có lý khi nhận định: "Với Putin, chủ nghĩa dân tộc thay cho chủ nghĩa cộng sản trong vai trò ý thức hệ."

Một quan điểm thân Mỹ và phương Tây cho rằng Putin là nhà độc tài có xu hướng dẫn dắt xã hội Nga đi về hướng phi dân chủ, cản trở tự do báo chí và xã hội dân sự. Putin trả lời:

"Tôi xin nói với các ngài một cách thành thật, chúng ta chắc chắn là không muốn có cùng kiểu dân chủ như họ có ở Iraq."

Bill Gates

Gates từng tâm sự rằng công việc chi phối ông tới mức nhiều lần ông lái xe vào con đường đến thẳng công ty trong khi định đi nơi khác. Gates sinh ra để đi trên con đường ấy với Microsoft, con đường đã mang lại cho ông ảnh hưởng toàn cầu.

Gates giờ đây đã đi một con đường khác. Năm 2008, ông chia tay Microsoft và trích 58 tỷ đôla tài sản của mình cho Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates. Người đàn ông giàu nhất thế giới từng "ước sao mình không phải là người giàu nhất" đã quyết định ghi dấu ấn và ảnh hưởng của mình ở một lĩnh vực hoàn toàn mới.

"Kẻ bỏ học nổi tiếng nhất Harvard" được coi là nhà tiên tri đã thành công trong việc "tạo ra thời đại" công nghệ thông tin nhờ "biết trước tương lai". Nhưng, khi tổng kết lại cuộc đời kinh doanh của mình trong cuốn "Con đường phía trước", ông vẫn nói:

"Thành công là một giáo viên tồi. Nó ru ngủ những người thông minh với suy nghĩ rằng họ không thể thất bại."

Alan Greenspan

Cựu chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED là một tín đồ nhiệt thành của kinh tế thị trường tự do, môn đồ của trường phái "bàn tay vô hình" của Adam Smith.

18 năm ngồi trên ghế chủ tịch FED để điều hành chính sách tiền tệ của nước Mỹ, những quyết định của Greenspan có ảnh hưởng vô cùng lớn tới nền tài chính toàn cầu. Giai đoạn nắm quyền của Greenspan được coi là khúc khải hoàn ca của sự thịnh vượng Mỹ cũng như của lý thuyết kinh tế tự do.

Cho tới khi nhà kinh tế khi đó đã 80 tuổi "rửa tay gác kiếm" vào năm 2006, Greenspan vẫn được tụng ca nhiệt liệt. Mọi chuyện chỉ bắt đầu đổ vỡ khi cuộc khủng hoảng tài chính vô tiền khoáng hậu bùng nổ năm 2008.

Cựu chủ tịch FED bị coi là tội đồ khi đã giảm lãi suất liên tục từ năm 2001 tới giữa năm 2004, việc này bị cho là đã tạo đà cho bong bóng bất động sản phình đại dẫn tới khủng hoảng. Lý tưởng tự do phi điều tiết tài chính của ông cũng đã dẫn tới sự hình thành vô số các công cụ tài chính phái sinh, chất xúc tác làm lan truyền khủng hoảng.

Đáp lại tất cả những lời cáo buộc, con người dành cả cuộc đời mình để suy ngẫm về kinh tế học đã thừa nhận có "sai lầm" nhưng vẫn chưa hết "sốc" và "ngơ ngác"

"Trụ cột quan trọng của cạnh tranh và thị trường tự do đã đổ vỡ. Tôi cũng chưa hiểu rõ toàn bộ sự việc xảy ra như thế nào."

Hồ Cẩm Đào

Hồ Cẩm Đào sinh năm 1942, tuổi Nhâm Ngọ. Sự thăng tiến trên con đường chính trị của ông cũng nhanh chóng và suôn sẻ như ngựa phi trên thảo nguyên thênh thang.

Chú ngựa ấy luôn về nhất trong các cuộc đua dù "non" nhất. Khi còn đi học, ông luôn đứng đầu. Trên quan lộ, năm 1982, Hồ Cẩm Đào trở thành uỷ viên trung ương trẻ nhất khi mới 39 tuổi. Năm 1985, ở tuổi 43, Hồ Cẩm Đào là bí thư tỉnh uỷ Quý Châu, bí thư tỉnh uỷ trẻ nhất. Năm 1992, khi mới 49 tuổi, ông trở thành Ủy viên Bộ chính trị trẻ nhất và năm 98 là Phó Chủ tịch nước trẻ nhất.

Luôn trẻ nhất nhưng Hồ Cẩm Đào nổi tiếng là con người chín chắn và điềm tĩnh đến thần bí. Chỉ nói vừa đủ những điều cần nói vào những lúc cần nói, lãnh tụ của quốc gia 1,3 tỉ dân hiếm khi hé lộ những cảm xúc bột phát hay phát ngôn thiếu thận trọng.

Quan điểm của ông gói gọn trong một câu phát biểu của ông dịp kỷ niệm 60 năm Quốc Khánh Trung Quốc vừa qua:

"Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu nguy cho Trung Quốc và chỉ có cải cách và mở cửa mới có thể đảm bảo cho sự phát triển của Trung Quốc."

Larry PageSergey Brin

Hai nhà sáng lập ra Google cũng không ngờ rằng dự án nghiên cứu chung của họ khi đang làm tiến sỹ ở Stanford lại làm cho họ trở thành những tỉ phú chỉ vài năm sau đó.

Dự án bắt đầu vào năm 1996 và chỉ 10 năm sau, 2006, số lượt tìm kiếm trên Google đã là 2,7 tỉ lượt một tháng. Ảnh hưởng của Google tiếp tục tăng phi mã, con số ấy vào cuối năm 2009 đã là 31 tỷ.

Hai chàng trai cùng sinh năm 1973 đã tuyên bố sứ mệnh của Google là "sắp xếp và quản lý thông tin toàn cầu." Hai tiến sỹ "hụt" của Stanford đã làm được điều đó khi giúp hàng tỉ công dân toàn cầu tiếp cận thông tin ở bất kỳ lĩnh vực nào một cách miễn phí và nhanh chóng nhất, họ đã thay đổi cách thức học tập và thu thập thông tin của thế giới.

Vậy nhưng, khi chia sẻ về những kinh nghiệm thành công của mình ở Israel năm 2003, Larry Page chỉ đơn giản nói:

"Bạn phải hơi ngốc nghếch trong việc đặt ra mục tiêu. Hãy quan tâm tới điều không thể. Bạn hãy thử làm những việc mà người khác chưa nghĩ tới."

(vietnamnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài viết này.