Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

George Soros: Thiên tài hay tội nhân?

Trong thế giới đầu cơ có một cư dân kiếm được nhiều tiền và rất nhanh nhờ đầu cơ, lại không hề giấu diếm bí quyết đầu cơ và dùng rất nhiều tiền có được từ đầu cơ để làm chính trị. Cư dân này tự tin đến mức dám tuyên bố công khai rằng: “Tôi có thể làm thay đổi thế giới” - người đó là George Soros.

George Soros là một trong những nhà đầu cơ có được nhiều biệt danh phụ nhất, thậm chí còn được coi là “nguyên thủ quốc gia không có quốc gia”. Về mọi phương diện, con người này đều có những cá tính rất riêng.

Soros2.jpg

Là người Do Thái, sinh năm 1930 ở Hungari, George Soros di cư sang Tây Âu năm 1946 và năm 1947 sang Anh, theo học Trường Đại học Khoa học chính trị và kinh tế London cho tới năm 1952 và sang Mỹ định cư từ năm 1956. Mấy dòng tiểu sử đơn giản ấy đủ để cho thấy hai nét đặc thù nhất xuyên suốt cả cuộc đời của nhà đầu cơ này là hoạt động kinh tế và chính trị, cụ thể hơn nữa là đầu cơ và dùng tiền có được từ đầu cơ để hậu thuẫn phe đối lập ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây cũng như tài trợ cho các hoạt động chính trị theo hướng xây dựng “xã hội mở” ở rất nhiều quốc gia khác trên thế giới sau này.

Chỉ qua một đêm trở thành huyền thoại

Mười hai năm đầu tiên ở nước Mỹ là thời kỳ học việc của George Soros, là thời kỳ Soros để tâm nghiên cứu kinh tế và theo dõi biến động thị trường để tìm ra những khe hở có thể lợi dụng được. Không có nhiều vốn liếng, Soros biết rằng không thể làm ăn lớn ngay được, không thể kiếm tiền nhanh ngay được, lại càng không thể có chuyện đầu tư lâu dài, cho dù đó là đầu tư vào công nghiệp hay dịch vụ, bất động sản hay chứng khoán. Đầu cơ không chỉ có sức lôi kéo quyến rũ. Soros đủ tri thức để hiểu rằng, muốn thành công thì cũng phải biết cách đầu cơ. Giải pháp của Soros rất đơn giản: Không có vốn thì phải sử dụng vốn của kẻ khác, muốn kiếm tiền nhanh thì phải trốn thuế và phải liên danh với đối tác để giảm bớt rủi ro.

Cơ hội đến với George Soros năm 1968 khi ông gặp Jim Rogers. Công bằng mà nói thì gặp George Soros cũng là cơ hội đối với Jim Rogers. Cuộc hội ngộ này, không biết do tình cờ hay là chủ ý của số phận, đã mở đường cho cả hai về sau đều nổi danh trong thế giới đầu cơ. Cả hai thành lập ra cái gọi là Quỹ bảo lãnh đầu tư Quantum Funds để huy động vốn của kẻ khác và sử dụng số vốn đó để đầu tư, trả cho người góp vốn hoặc là lãi suất, hoặc là lợi tức từ các phi vụ đầu tư. Quỹ này được đăng ký tại Curacao, một hòn đảo ở ngoài khơi Venezuela, nơi được coi là một trong những thiên đường thuế thời đó mà các cơ quan kiểm soát tài chính và chứng khoán Mỹ không với tới được. Trong kinh doanh chứng khoán, việc sử dụng thông tin của người trong cuộc bị xử phạt rất nặng vì nó thường đem lại lợi nhuận rất lớn. Soros và Rogers đã xây dựng mạng lưới thông tin riêng để thu lượm và khai thác triệt để nguồn thông tin này. Cả hai giàu lên nhờ đầu cơ trên cơ sở ấy. Về sau, có người nói họ may mắn, nhưng cũng có kẻ đổ cho sự yếu kém của bộ máy quản lý và kiểm soát thị trường chứng khoán mà cả hai đều không bị phát hiện. Nhưng thời kỳ Soros và Rogers đường ai nấy đi mới là thời kỳ huy hoàng nhất của Soros.

Phi vụ đầu cơ nổi tiếng đầu tiên của Soros được thực hiện vào năm 1988. Ngày ấy, Soros vận hành liên hoàn giữa mua và bán cổ phiếu của ngân hàng Societe Generale, một ngân hàng lớn của Pháp, và kiếm được 2,2 triệu USD. Mãi đến năm 2006, một tòa án ở Pháp mới kết tội Soros sử dụng thông tin của người trong cuộc ở vụ đầu cơ này và đòi Soros phải hoàn trả tất cả lợi nhuận. Soros kháng án lên tận Tòa án Nhân quyền của châu Âu. Một phán xử như vậy vào năm 1988 đủ để hủy hoại toàn bộ sự nghiệp đầu cơ của Soros, nhưng lại chẳng làm được gì nhà đầu cơ này vào thời điểm năm 2006.

Soros.GIF

Nhưng nổi tiếng nhất là vụ đầu cơ đồng Bảng Anh mà lịch sử đầu cơ thế giới cũng như lịch sử tài chính thế giới gọi là “Ngày thứ Tư đen tối” - ngày 16/9/1992. Ngày ấy, Soros cho rằng đồng Bảng Anh được giữ ở tỷ giá quá cao và sẽ không thể trụ lại lâu ở mức độ đó. Soros dùng tất cả vốn liếng của mình và vay mượn bằng đồng Bảng Anh với hết khả năng của mình để bỏ ra mua về đồng Deutsche Mark và USD, khuấy động hẳn một làn sóng đầu cơ nhằm vào đồng Bảng Anh, đến mức khiến Ngân hàng Anh buộc phải phá giá đồng Bảng Anh và nước Anh buộc phải ra khỏi Hệ thống Tiền tệ châu Âu, còn Ngân hàng Anh thì phải trải qua quá trình cải tổ. Khi đồng Bảng Anh bị phá giá, Soros bỏ ngoại tệ kia ra mua lại Bảng Anh - đương nhiên với giá thấp hơn, thanh toán công nợ và thu về 1 tỷ USD chỉ sau có một đêm. Vụ đầu cơ này giúp Soros trở thành huyền thoại sống trong thế giới đầu cơ.

Năm 1993, mục tiêu tấn công của Soros là đồng Deutsche Mark của Đức, năm 1998 là đồng Rúp của Nga và năm 1999 là đồng Euro. Thời điểm 1997 - 1998, Soros nhằm vào đồng Baht của Thái Lan và vì thế bị coi là người đã gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu Á. Thủ tướng Malaysia Mahathir thời đó đã công khai đổ trách nhiệm cho Soros, cho dù chẳng ai có thể chứng minh được rõ ràng và Soros bác bỏ hoàn toàn mọi trách nhiệm. Dù thế nào thì chúng cũng giúp Soros càng thêm nổi tiếng và được nể vì. Năm 2007, Soros trù đoán là kinh tế Mỹ còn suy thoái và nhận ra cơ hội đầu cơ tuyệt vời sau nhiều năm giải nghệ. Kết quả là chỉ một năm sau, Soros thu về được hơn 1 tỷ USD. Việc hậu thuẫn tài chính cho những lực lượng đối lập ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây được coi là phi vụ đầu cơ chính trị đáng kể nhất của Soros và giúp Soros có được ảnh hưởng không nhỏ ở các quốc gia Đông Âu sau chiến tranh lạnh.

Công khai bí quyết


George Soros là một trong số rất ít nhà đầu cơ dám công khai bí quyết đầu cơ của mình. Qua những sách, bài viết, tham luận và trả lời phỏng vấn, người ta đã tổng kết nên 24 bí quyết đầu cơ thành công của Soros, trong đó nổi bật nhất là bí quyết “dám liều, nhưng liều có mức độ và thận trọng cao nhất có thể”. Nghe thì thấy rất dễ và không ai có thể phản bác được, nhưng thực hiện cụ thể mới là cái khó. Soros thực hiện đầu cơ rất thành công bởi nhà đầu cơ này rất am hiểu thị trường, am hiểu đến mức có thể đoán biết được trước phần nào diễn biến của thị trường trong thời gian tới. “Tôi hiểu thị trường tốt hơn những người khác. Vì thế tôi kiếm được tiền. Vì thế tôi nhận biết được những lỗi của thị trường”, Soros vẫn thường nói như vậy mà không hề cho rằng mình đã quá tự tin hay tự cao tự đại.

Soros chuyên đầu cơ tiền tệ và vì thị trường tiền tệ chịu tác động rất lớn bởi chính sách của các chính phủ và các ngân hàng trung ương quốc gia nên Soros luôn đặt hoạt động đầu cơ của mình trong mối liên hệ với các diễn biến trên chính trường. Những dự đoán của Soros làm cơ sở cho quyết định đầu cơ được dựa trên cơ sở ấy và triết lý đầu cơ của Soros cũng được đặt trên cơ sở ấy: dùng đầu cơ để tác động tới chính sách khiến chính sách buộc phải được điều chỉnh sao cho có lợi nhất cho hoạt động đầu cơ. Không phải lần nào Soros cũng thành công với chiến lược đầu cơ này, nhưng cho tới nay Soros vẫn luôn thắng ở những trận cần phải thắng nhất và đáng phải thắng nhất.

Đương nhiên, nhà đầu cơ trứ danh nào chẳng có tố chất năng khiếu đầu cơ bẩm sinh. Năng khiếu ấy cùng với tri thức và kinh nghiệm có được theo thời gian và ở thời khắc quyết định được xúc tác bằng tính liều lĩnh có tính toán chính là những thứ đã giúp Soros trở thành nhân vật có một không hai trong thế giới đầu cơ. Chứ còn những hoạt động chính trị của Soros chẳng phải là chuyện hiếm ở các cư dân của thế giới đầu cơ.
(theo SAGA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài viết này.