Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Tản mạn Tigôn

Phải nói rằng mỗi loài hoa đều có cái “lịch sử hình thành và phát triển” của nó – Ti gôn cũng không ngoại lệ. Mà thường thường, lịch sử các loài hoa hay có chuyện lâm li bi đát, tình yêu trai gái thắm thiết cách trở, hoặc tình cảm dào dạt giữa người thân trong gia đình, nói chung là liên quan đến tình cảm – Ti gôn cũng không ngoại lệ. Tất nhiên kết cục sẽ có máu, cái chết, sự hy sinh vì người khác, người dám hy sinh ấy được thượng đế cho mọc thành một loài hoa nào đấy – Ti gôn cũng không ngoại lệ. Và thường thì những loài hoa này có xuất thân từ châu Âu, Châu Mỹ với truyền thuyết Hy Lạp hay truyền thuyết La Mã nào đó... ít và hiếm khi xuất thân từ nền văn minh Lưỡng Hà, văn minh Trung Hoa, văn minh Châu Á – Ti gôn cũng không ngoại lệ.

Tigôn trắng (nguồn www.thonhacviet.com)

Ngày xửa ngày xưa, (cái này trước giờ bắt đầu chuyện cổ tích vẫn thế, phải thế thì nó mới là chuyện cổ tích), theo truyền thuyết Hy Lạp, Antigôn là nàng công chúa đẹp tuyệt vời con vua Ơđipơ và hoàng hậu Jocaxto. Antigôn có hai người anh, em trai là Ereoclơ và Polynixơ. Hai chàng trai và một cô gái này không có tội tình gì, tất cả tội lỗi, thảm kịch là do cha Ơđipơ, mẹ Jocaxto và ông nội Laios của Antigôn gây ra. Trước kia, nhà vua Laios với hoàng hậu Jocaxto là vợ chồng, sinh được hoàng tử Ơđipơ. Không hiểu “ông thần cà chớn nào đó” báo mộng cho Laios rằng: thằng nhóc Ơđipơ lớn lên sẽ giết cha và lấy hoàng hậu (kinh khủng quá). Quá kinh khủng, nên nhà vua đem thằng con mới đẻ bỏ một nơi thật xa.

Ơđipơ lớn lên thành chàng trai khôi ngô tuấn tú, sức khoẻ phi thường. Và trong một lần nổi giận đã gây sự, giết chết một người đi đường – người đó chính là Laios, cha của chàng. Người kế vị Laios tên là Crêon khi đất nước gặp chuyện xuất hiện một con quái vật đã thông báo khắp nơi rằng: dũng sĩ nào giết được quái vật thì sẽ truyền ngôi và lấy hoàng hậu Jocaxto làm vợ. Và tất nhiên, Ơđipơ trở thành nhân vật chính, giết quái vật, cưới hoàng hậu Jocaxto, đẻ ra nàng Antigôn, hoàng tử Ereoclơ và Polynixơ. Lại xuất hiện “ông thần cà chớn nào đó” báo mộng cho Ơđipơ về mối tình oan trái của mình.

Kết cục: Ơđipơ chọc mù hai mắt, rời khỏi thành phố; Jocaxtơ treo cổ tự tử. Hoàng tử Polynixơ bị vua Crêon xử tử, cấm không ai đến gần. Thương em nên nàng Antigôn đã lén đem xác em đi mai táng, và bị vua Crêon giết chết. Từ nơi dòng máu Antigôn nhỏ xuống lòng đất mọc lên loài cây dáng vẻ yếu mềm như dây leo. Người ta đặt tên nó là hoa Tigôn.

Xong chuyện lịch sử, rồi đến ý nghĩa loài hoa. Loài hoa nào cũng mang một ý nghĩa nào đó khi người ta đem tặng cho nhau – Ti gôn cũng không ngoại lệ. Ở câu chuyện sự tích về hoa Tigôn, nàng công chúa Antigôn nhỏ máu đỏ xuống, mọc lên hoa màu đỏ là hợp lý rồi. Nhưng hổng hiểu sao, khi qua Việt Nam lại có thêm loại hoa Tigôn màu trắng. Mà hai màu khác nhau, tất nhiên sự gửi gắm sẽ khác nhau. Nếu tự nhiên mình nhận được hoa Tigôn màu đỏ: “Tôi mong nhớ bạn, đau khổ vì không gặp khi đến thăm bạn”. Còn một buổi sáng, trên bàn làm việc có 1 chùm hoa màu trắng của thằng cha nào đó bỏ quên thì:“Bạn đã lỗi hẹn, lần sau đừng thế nữa nhé”.

Hai sắc hoa tigôn (nguồn farm3.static.flickr.com)

Hoa tigôn dễ trồng, nhìn mảnh mai. Câu chuyện về hoa, ý nghĩa của hoa cũng như những cánh hoa như hình trái tim rất bình dị như bao điều bình dị khác. Tuy có một điều, khi Tigôn du nhập vào Việt Nam thì trong làng văn nghệ đất Việt, xuất hiện giai thoại gắn với một nhà văn và một tác giả thơ, rồi một nhạc sĩ phổ thơ thành bài hát. Mỗi khi nói đến hoa tigôn, mọi người lại liên tưởng đến ngay “Hai sắc hoa tigôn” buồn đến não lòng của T.T.Kh. Bài thơ cũng hay, mà tác giả cũng bí ẩn.

Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ đến với yêu đương...

(St Sử Quan)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài viết này.