Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Đại chiến thế giới 3.0: Apple - Google - Microsoft

Họ "choảng nhau" trên desktop, tìm cách "đá đít" nhau trên lĩnh vực tìm kiếm và nhăm nhe dìm nhau xuống vũng bùn trên "trận địa" di động.

1_cuocchienA-G-M.jpg

Trở lại những “ngày xưa thân ái”, Microsoft độc chiếm mảng thị trường máy tính để bàn (desktop), Google dính chặt vào mảng tìm kiếm trên Internet còn Apple chỉ là “hãng sản xuất đồ chơi” cho những gã nhà giàu thích chơi bời.

Nhưng ngày nay, họ đã trở thành những siêu quyền lực trong thế giới công nghệ và bắt đầu hướng ánh mắt thèm thuồng sang sân của anh bạn hàng xóm. Một cuộc đại chiến thế giới đã nổ ra và điểm khác biệt nhất của cuộc đại chiến thế giới 3.0 này là họ vẫn đang mở trận địa và đánh nhau kịch liệt ngay trước mắt chúng ta mà nhiều khi không ai nhận thấy.

Dưới đây là một số trận địa chính, nơi cuộc chiến đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết:

Cuộc chiến dưới đất

Bất chấp những tiếng xấu về Windows Vista vẫn bao trùm lên toàn bộ thế giới của Microsoft nhưng trên thị trường desktop, họ vẫn là một ông trùm chưa có đối thủ. “Chú lính chì dũng cảm” Linux đã có lúc được tin tưởng và tưởng như sẽ làm nên chuyện khi cơn sốt netbook tăng nhiệt nhưng rồi vẫn bị đá văng bởi chính đứa con 8 tuổi mang tên Windows XP của Microsoft. Bước sang năm 2009, Windows 7 ra đời tiếp tục trói chặt người dùng máy tính toàn cầu vào Microsoft.

Nhưng sự khác biệt vẫn xảy ra, thị trường máy tính giờ đây đã được phân cấp một cách rất rõ ràng. Kẻ có tiền và thích công nghệ là tín đồ của Mac (Apple) còn những “người thường” là nô lệ của Windows.

1_CA-G-M.jpg

Theo hãng nghiên cứu thị trường NPD, chỉ tính riêng trong tháng 6/2009, dòng sản phẩm máy tính Mac của Apple đã chiếm 91% thị phần máy tính có giá trên 1.000 USD và “Quả táo” đang tiến nhanh đến mảng thị trường quan trọng nhất của Microsoft: doanh nghiệp.

Để cho đoàn quân Mac của mình tiến nhanh hơn, Apple đã nhanh tay mua đứt bản quyền phần mềm Exchange và đưa nó vào thẳng trong hệ điều hành Mac OS X của mình. Exchange đã trở thành chuẩn mực trong các tác vụ thư điện tử và ứng dụng lịch làm việc, đủ sức để thay thế “món khoái khẩu” nhưng đã nhàm miệng Outlook của Microsoft Windows.

Mấy tháng nay, giới công nghệ vẫn không ngừng đồn đại về chiếc máy tính bảng Apple Tablet và cho rằng sản phẩm này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trong ngành công nghiệp điện toán. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng thực sự là vẫn chưa ai nhìn thấy hay chí ít là biết được cấu hình chính xác của sản phẩm này.

Chưa hết mệt với Apple, Google còn tiếp tục khiến Microsoft “toát mồ hôi” bằng việc tuyên bố sẽ cho ra mắt hệ điều hành Chrome OS do mình tự phát triển vào năm sau. Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu không quá tệ, Chrome OS sẽ gặm dần mảng khách hàng tầm trung của Microsoft bằng thứ vũ khí đáng sợ: miễn phí hoặc giá siêu rẻ.

Câu hỏi là Microsoft sẽ làm gì để chống lại Apple và Google?

Và trận địa "trên trời"

Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng chính Microsoft mới là những người triển khai ý tưởng về công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) đầu tiên. Họ dùng SaaS (Software as a Service) và đưa chúng lên “sống” ở Application Service Providers từ những năm 1990. Nhưng thật đáng buồn là Microsoft lại tiên phong quá sớm khi mà cả thế giới chưa có đường truyền Internet nào đủ nhanh để công nghệ này phát triển được. Chưa hết, đề nghị người dùng sử dụng điện toán đám mây khi mà họ vẫn phải trả tiền truy cập Internet theo phút quả là một ý tưởng “điên rồ” vào thời đó.

1_C_GM.jpg

Nhưng khi thời cơ chín muồi, Google mới là kẻ nhanh chân hơn. Tuy nhiên, những ứng dụng trên nền web của Google chưa thể đe dọa đến đế chế của Microsoft và bộ phần mềm Office phiên bản chạy trên nền web của Microsoft tỏ ra tốt không kém. Quan trọng hơn cả là Office web còn có thể chạy được trên tất cả các nền tảng bất kể đó là Mac hay những chiếc di động của Nokia.

Vấn đề là kẻ thù lớn nhất của Microsoft trên trận địa này lại không phải là Google mà là chính sự thiếu niềm tin vào công nghệ điện toán đám mây của khách hàng. Chuyên gia bảo mật Bruce Schneier có lần đã từng viết trên tờ The Guardian của Anh rằng: "Bạn sẽ không bao giờ muốn đưa những dữ liệu quan trọng của mình lên một “đám mây” nào đó để rồi đột nhiên biến mất mà chẳng biết tìm lại ở đâu bởi hãng điều hành đám mây đó phá sản…"

Thế giới điện toán đang dịch chuyển dần dần về phía những “đám mây” nhưng chắc chắn một điều những doanh nghiệp, nơi thông tin còn quý hơn vàng và mạng sống của họ, “đám mây” là một thứ sẽ cần phải cực kỳ thận trọng.

May cho Microsoft là Apple chưa có động thái gì trên chiến trường này mặc dù họ cũng đầu tư không ít nhưng vẫn chỉ là để phục vụ cho các tín đồ của Mac và iTunes mà thôi.

Theo ICT News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã nhận xét cho bài viết này.